Nhìn ông bà, nghe câu chuyện của ông bà, trong đầu tôi lan man suy nghĩ: Nền có vững thì nhà mới chắc, nhà có yên thì nước mới yên. Nhà của ông không lớn so với vị trí mà ông đã từng đảm nhiệm. Nhưng nó rất bình yên, nó trở thành điểm tựa vững chắc để ông đứng vững trên chính trường.
Anh bạn đồng nghiệp của tôi buột miệng thốt lên: “Không ngờ ở ngoài đời ông Sáu tươi như vậy”. Không riêng anh mà hầu hết chúng tôi đều thừa nhận điều này khi vừa thoạt nhìn thấy nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết (nhiều người vẫn gọi thân mật là “ông Sáu Phong”). Ông nhanh nhẹn tươi cười dang rộng tay đón chúng tôi trước thềm nhà. Ngoài mái tóc bạc trắng như mây thì vẻ mặt hồng hào, dáng đi nhanh nhẹn, giọng nói sang sảng như phủ nhận tuổi tám mươi của ông.
Làm việc hết mình và về nhà nghỉ ngơi đúng lúc, nguyên Chủ tịch Nước sống ung dung tự tại ở tuổi tám mươi.
Ngôi nhà nhỏ bình yên của nguyên Chủ tịch Nước
Trong hình dung của chúng tôi, nhà nguyên Chủ tịch Nước phải là một tòa biệt thự nguy nga, rộng lớn, có “lính canh” nhiều tầng nấc, ra vô phải “xuống xe, dẫn bộ, xuất trình giấy tờ”. Phòng tiếp khách phải thật hoành tráng với ghế bành bọc nệm nhung, ấm chén uống trà nạm ngọc, dát vàng… Song, những hình dung ấy vụt biến mất khi xe chúng tôi đi qua cánh cổng đã mở sẵn. Anh cán bộ, kiêm lái xe, kiêm phục vụ và… làm vườn tươi cười đón chúng tôi: “Chú Sáu đang chờ các anh chị”.
Ông xuất hiện trước thềm… nhà bếp. Áo sơ mi, quần tây giản dị. Bộ bàn ghế gỗ bình thường, ấm chén Minh Long, trà atisô Đà Lạt. Cam Canh ngọt lịm đãi khách là của bạn bè ngoài Bắc vừa gởi vào, chuối cau vàng ươm nhà trồng thơm như thịnh tình của chủ... Ông tự tay lấy trái cây mời mọi người. Không hề có sự e dè, ngăn cách giữa khách là những người dân bình thường và chủ từng là người đứng đầu Nhà nước. Tôi đưa mắt nhìn quanh. Khu vườn xanh mướt, những trái bưởi lúc lỉu trên cành được bao bọc cẩn thận từng trái. Chúng tôi chỉ căn nhà phía trước, thắc mắc nhà của nguyên Chủ tịch Nước sao không hoành tráng gì hết vậy, ông cười: “Vầy là tốt rồi, chỉ cần mấy phòng để tối lên ngủ. Nhà lớn làm chi lau quét mệt lắm”.
Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết tại vườn nhà.
Trái ngược với “nhà trên” có diện tích khiêm tốn là “nhà dưới”, tức nhà bếp, lại rất rộng rãi với vài ba bộ bàn ghế ăn xếp dọc hành lang, trông giống như phòng ăn tập thể thường thấy ở một số cơ quan. Trong khi chúng tôi ngồi trò chuyện ở bàn bên này thì bữa cơm đã được dọn lên ngay bàn bên cạnh. Bà Sáu giục chúng tôi mau ngồi vào bàn ăn cho nóng. Mâm cơm thịnh soạn với thịt kho hột vịt, mắm tép thịt luộc, vịt xiêm nấu măng, tôm đất rang nước cốt dừa, canh cá lăng nấu lá giang, bò lúc lắc ăn với trái sa kê chiên giòn ngon “cực đỉnh”… Rau trái trong vườn, cá dưới ao, vịt mua của nhà hàng xóm, những món ăn dân dã được chế biến rất ngon. Ông nói khách tới nhà, dù là bạn bè, đồng chí, thuộc cấp cũ hay quan chức đương nhiệm đều được tiếp đãi như nhau.
Câu chuyện trên bàn ăn thật rôm rả. Chuyện Đông chuyện Tây lại quay về chuyện gia đình. Ông bà có hai người con. Con gái lớn Minh Thư sinh sống, làm việc tại Bình Dương. Con trai út Minh An sống ở TP.HCM. Chủ nhật nào các con cháu cũng về chơi với cha mẹ, ông bà. Khi chúng tôi hỏi các con của ông có ai “làm chính trị” như cha mẹ không, ông cười: “Ban đầu tôi cũng hướng tụi nó đi theo con đường của mình, tốt nghiệp đại học xong thì vào làm cơ quan nhà nước, thằng út vô Đảng rất sớm, học cao cấp lý luận chính trị. Nhưng được một thời gian thì các con thấy môi trường nhà nước không hợp với sở thích và năng lực của mình nên xin ra ngoài làm. Tụi nó hỏi ý kiến ba mẹ, chúng tôi tôn trọng ý kiến của con. Tôi dặn chúng nó làm gì thì làm nhưng trước tiên phải là một công dân tốt. Mấy đứa cháu nội, ngoại sau này tôi thích tụi nó làm thầy giáo hoặc nghiên cứu khoa học nhưng có vẻ tụi nó thích kinh doanh hơn”.
Nói về chuyện dựng vợ, gả chồng cho con, ông bảo cũng hoàn toàn do con chọn lựa, quyết định. Có điều là khi đó dù ông làm Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé hay Bí thư Thành ủy TP.HCM thì đám cưới các con cũng được “làm gọn”, thậm chí nhiều người thân cận không biết ông gả cưới con. “Hạnh phúc lâu bền hay không là do mình có thương yêu, tôn trọng nhau, tôn trọng đạo nghĩa hay không chứ rình rang làm gì. Như tôi với bả, hồi làm đám tuyên bố ở trên rừng năm 1968, chỉ có mấy chén trà mà cũng yên ấm với nhau tới giờ”.
Phía sau ông là người phụ nữ đã giữ lửa cho gia đình suốt mấy mươi năm qua.
Nghe ông nhắc đến mình, bà ngồi bên cạnh giọng nhỏ nhẹ, nụ cười thật hiền: “Tôi với ảnh thành vợ chồng ban đầu là do gia đình hai bên sắp đặt”. Ông tiếp lời vợ: “Gia đình hai bên cũng chỉ mới tính toán thôi chớ chưa cưới gả gì. Sau đó tôi hoạt động cách mạng ở Sài Gòn, bị bắt rồi vượt ngục lên R, mấy năm sau tôi “móc” cổ theo lên đây năm 1965. Tới năm Mậu Thân 1968 mới tuyên bố. Cứ tưởng cưới xong thì hòa bình nhưng không dè vẫn còn chiến tranh”.
Vợ ông, người phụ nữ từng là “đệ nhất phu nhân” nhưng thật dung dị bình thường, hết lòng vì gia đình, chồng con. Bà thích đi chợ và chỉ đi bằng xe ôm chứ không đi xe hơi. Bà mặc những bộ quần áo bằng vải thường, không se sua chưng diện. Ngày trước, trừ những dịp bắt buộc phải xuất hiện bên cạnh ông vì lễ nghi nhà nước, còn lại thì bà chỉ quẩn quanh trong “chái bếp, hiên sau” của mình, tề gia nội trợ như bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam khác. Ông nói mình thật may mắn khi có bà trong cuộc đời rồi cười: “Tôi thường nói với bà ấy phải biết mình là ai, cái gì của mình, cái gì không phải của mình. Tốt nhất là nên tập trung chăm lo gia đình, con cái”.
Lan man chuyện tề gia, trị quốc
Câu chuyện quanh mâm cơm chiều của chúng tôi vô tình lại đưa đẩy đến vấn đề thời sự hiện nay là vụ án AIC đang được xét xử tại Hà Nội. Tôi cắc cớ hỏi bà: “Hồi ông còn đương chức, có ai đưa hối lộ cho ông thông qua bà không?”. Bà trả lời ngay cùng với nụ cười hóm hỉnh: “Không có ai đưa cho tui, chớ nếu họ đưa là tui lấy đó!”. Nhìn vào vẻ mặt bà, chúng tôi hiểu điều ẩn chứa phía sau câu trả lời ấy.
Nghe nhắc chuyện này, ông trầm ngâm: Cán bộ hư hỏng là nỗi đau chung, không chỉ riêng ai, nỗi đau sâu sắc của chế độ. Ông cho rằng mỗi cán bộ trong chức trách của mình phải có bản lĩnh để đối diện cám dỗ và bản lĩnh đó phải được rèn luyện thường xuyên, liên tục trong từng thành viên gia đình, từng nhân viên ở các vị trí của bộ máy chứ không riêng gì người cán bộ, công chức đó.
Điều lớn nhất chúng tôi nhận được từ ông bà hôm nay là bài học về một cách sống: làm việc hết mình và về nhà nghỉ ngơi đúng lúc.
Nhìn ông bà, nghe câu chuyện của ông bà, trong đầu tôi lan man suy nghĩ: Nền có vững thì nhà mới chắc, nhà có yên thì nước mới yên. Nhà của ông tuy nhỏ so với vị trí ông từng đảm nhiệm, nhưng nó rất bình yên và trở thành điểm tựa vững chắc để ông đứng vững trên chính trường.
Đã mười mấy năm trôi qua kể từ khi ông rời khỏi chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước. Ít thấy ông xuất hiện trên truyền thông, báo chí. Nhưng không có ai quên ông. Những người bạn chiến đấu, nhân viên dưới quyền, những người quen biết thân sơ. Không một ai quên ông. Chị sếp của tôi nói vui: “Tháng có 30 ngày thì ông có khách tới 31 ngày”. Ông cười thừa nhận: “Đúng là vậy vì có hôm tiếp khách tới 3 chặp: sáng, trưa, chiều. Anh em tới thăm, chuyện trò, ăn cơm, uống chút rượu với mình, vui lắm”.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (phải) cùng các cán bộ Bộ Quốc phòng đến thăm nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết tại tư gia, ngày 22.6.2022. Ảnh: Hùng Khoa
Nhân nói chuyện uống rượu, ông kể năm 2004 khi phát hiện ông bị bịnh ung thư, bác sĩ ở Pháp ghi vào hồ sơ: “Hy vọng sống được 5 năm”. Mà nay đã gần hai mươi năm, ông thấy mình còn khỏe mạnh và tin rằng mình sẽ tiếp tục sống khỏe mạnh, vui vẻ như vậy. “Có người nghe bị ung thư là hoảng sợ rồi. Tôi ban đầu cũng rất lo lắng nhưng sau đó đã củng cố tinh thần. Bí quyết của tôi là luôn lắng nghe cơ thể mình, tự tìm lời giải, uống thuốc đợt đầu thấy khá nhưng đợt sau không tiến triển thì phải tìm cách khác”.
Cá nhân tôi không ganh đua, không đòi hỏi chức tước, khen thưởng gì hết. Cuộc đời tôi làm cách mạng bao nhiêu năm tới bây giờ không có đề nghị khen thưởng. Sau giải phóng thì mặc nhiên được Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (do tham gia kháng chiến đủ 15 năm theo quy định), sau đó cũng mặc nhiên được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì do khi đi kháng chiến mình có chức vụ ngang hàng cấp tỉnh ủy. Tôi được hai cái đó, ngoài ra tới giờ tôi không đề nghị khen thưởng gì hết. Tôi nhận thấy mình còn nợ dân nhiều lắm, lớp chúng tôi làm chưa xong, mong lớp sau tiếp tục. Vậy là vui rồi.”
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
Ông kể như vậy rồi hài hước: “Thuốc men chỉ 60 - 70% thôi. Còn lại là tinh thần. Quan trọng nhất là tinh thần, phải vui vẻ, lạc quan tin tưởng, không sợ chết. Mình có vui thì cả nhà mới vui, mọi người chung quanh mới vui. Mà vui thì mới mau hết bịnh”.
Vẫn giọng như vậy, ông nói mình “kỵ” nhất là 4 dịp này: Tết, lễ, sinh nhật, đám giỗ. “Tôi dặn anh em ở Bình Dương, Bình Phước, TP.HCM... không nên chúc Tết sớm, mà để qua Tết rồi hẵng tới chơi. Còn sinh nhựt là tôi đi “trốn” cho khỏe. Đám giỗ, tôi chỉ mời một ít lối xóm vì không muốn đông đúc, ồn ào. Cứ tưởng về hưu là rảnh rỗi, nghỉ ngơi, nhưng hóa ra cũng bận rộn, nhiều anh em vẫn tới thăm mình. Thỉnh thoảng tôi với bả ngồi lại nói với nhau chuyện này và rút ra kết luận là anh em lên đây chẳng được gì ngoài việc họ quý mình. Thôi thì, mệt chút nhưng vui vì biết rằng mình vẫn được mọi người thương mến”. Chúng tôi hỏi vui bà: “Khách tới nhiều như vậy có mệt không, có chán không?”, bà lắc đầu: “Mười mấy năm rồi, vẫn vậy, quen rồi nên không thấy mệt”.
Nghe câu trả lời của bà, nhìn nụ cười đôn hậu của bà, bất giác tôi nghĩ điều lớn nhất chúng tôi nhận được từ ông bà hôm nay là bài học về một cách sống: làm việc hết mình và về nhà nghỉ ngơi đúng lúc.
Mất chức, có gì đâu mà sợ!
Chiều muộn, anh thư ký nhắc đã “lố” thời gian của cuộc gặp theo dự trù nhưng chúng tôi vẫn chưa muốn rời đi. Lý do là vì nói chuyện với ông vui quá, thú vị quá. Một người đã đi qua chiến tranh, mất mát, đã đi vào nhiều cuộc chiến khác trong thời bình, có thể nói đã lên đến tột đỉnh vinh quang, tột đỉnh quyền lực trong một phạm vi giới hạn nào đó, giờ sống an nhiên tự tại, dành thời gian để chiêm nghiệm những điều đã xảy đến với mình, cách mình đối diện nó và truyền đạt kinh nghiệm lại cho thế hệ tương lai.
“Quyền lực dễ làm con người ta tha hóa. Bằng kinh nghiệm cuộc đời mình, xin chú hãy nói cho chúng cháu biết điều gì sẽ giữ cho những người trẻ đang làm lãnh đạo ở lằn ranh an toàn?”, anh bạn đồng nghiệp trẻ của tôi xin phép được hỏi thêm ông một câu trước khi từ biệt. Ông nói không chút chần chừ: “Mỗi người mỗi cảnh, công việc cũng khác nhau nhưng kinh nghiệm của tôi là sống chân tình, làm việc hết mình, không sợ mất chức, dám nói sự thật, dám nói thẳng. Đừng có ham chức quyền”.
Gian bếp ấm áp của nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết.
Rồi ông kể: “Hồi làm Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé (sau này là Bình Dương) tôi đã mấy lần đề xuất khác ý của cấp trên, suýt có thể mất chức, nhưng rồi tai qua nạn khỏi. Thứ nhất là chuyện lập Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore. Khi ấy Chính phủ hai bên đã thống nhất chọn địa điểm gần xa lộ Hà Nội, nhưng chúng tôi thấy có nhiều bất cập, nhất là phải đền bù giải tỏa nhiều quá. Chúng tôi đề nghị địa điểm bây giờ (khi ấy còn là khu đất trống), cấp trên rất phật ý, nhưng lắng nghe. Cuối cùng hai bên cũng thống nhất như đề xuất của chúng tôi.
Thứ hai là chuyện xây dựng Đại học Quốc gia TP.HCM. Trung ương tính toán 1.000 hecta, trong đó Sông Bé 850 hecta, TP.HCM 150 hecta. Chúng tôi nghiên cứu và kiến nghị nên rút bớt diện tích vì rất khó tìm đất, giải tỏa đền bù không nổi, chỉ nên 500 - 600 hecta thôi. Chính phủ cử ông Trần Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vô làm việc. Sau khi nghiên cứu, ông Quân thấy đề xuất của chúng tôi có lý nên về trình lại. Sau này Thủ tướng cũng đồng ý khoảng 600 hecta.
Chuyện thứ ba là vấn đề làm trang trại. Hồi đó chỉ quốc doanh và hợp tác xã mới được giao đất, dân không được giao. Chúng tôi thấy đất đai Sông Bé mênh mông mà dân thì thiếu đất sản xuất. Sau đó Trung ương vào kiểm tra và thấy rằng đất đai giao cho nước ngoài trồng chuối, trồng cây được, sao lại không giao cho dân. Từ đó mới có chủ trương mở ra trang trại”.
Càng kể ông càng phấn chấn và dường như đã quên mất giới hạn thời gian. Ông nhớ lại hồi năm 2004, khi phát hiện mình bị bịnh ung thư, ông xin nghỉ để trị bịnh rồi xin nghỉ luôn. Nhưng Trung ương không cho nghỉ mà đưa ông đi trị bịnh. “Bác sĩ ở Singapore nói “trị bệnh xong ông khỏe rồi, làm việc được”. Vậy là Trung ương yêu cầu tôi tiếp tục làm việc và tôi chấp hành. Tới năm 2006, Trung ương dự kiến đưa tôi làm Chủ tịch Nước, tôi từ chối vì không biết bịnh mình tái phát lúc nào, tôi sợ bịnh trở chứng thì lúc đó không biết ăn nói sao với dân, sợ dân nói mình giấu bịnh mà sự thật là tôi không có giấu. Cũng may là sau đó mọi việc đều suôn sẻ và tôi khỏe mạnh tới giờ”.
Ông nói xong bật cười sảng khoái.
Tôi nhìn ông, ước mình khi tám mươi tuổi vẫn ung dung tự tại như ông...
Lòng yêu nước vượt qua sự khác biệt
Có một chuyện mà nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết vẫn nhớ, vui vẻ nhắc lại. Đó là chuyện về cựu Phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ. Khi làm Chủ tịch Nước, trong một cuộc gặp rất nhiều người, ông Nguyễn Minh Triết kể lại câu chuyện năm mình học lớp 12 ở Trường Petrus Ký, ông Nguyễn Cao Kỳ, khi ấy mang quân hàm thiếu tướng, đã đến trường vận động các học sinh lớp 12: “Học xong tú tài II, các em nên vào Trường Sĩ quan Đà Lạt, sau 2 năm ra trường mang lon trung úy, tương lai rất là rạng rỡ”. Nhắc lại chuyện cũ rồi ông Nguyễn Minh Triết nói vui với ông Nguyễn Cao Kỳ: “Ông biết không, khi đó tôi đã là Việt cộng rồi”. Ông Nguyễn Cao Kỳ lập tức trả lời hết sức dí dỏm: “Tôi biết hết đó nghen, mà tôi còn biết sau này ông làm chủ tịch nước nên tôi không bắt ông!”.
Nguyên Chủ tịch nước cho rằng ông Nguyễn Cao Kỳ ứng phó rất nhanh và kể tiếp: “Có một lần gặp ông Nguyễn Cao Kỳ, tôi hỏi: “Bây giờ bên Mỹ vẫn còn một số ít lực lượng chống đối Việt Nam, theo ông vấn đề này như thế nào?”. Ông ấy nói: “Họ vận động tôi làm thủ lĩnh để chống lại các ông”. Tôi hỏi: “Tại sao ông không làm?”, ổng trả lời: “Tôi nói với họ hồi trước mình muốn thống nhất đất nước, người ta cũng muốn thống nhất đất nước, mà mình làm không được, người ta làm được rồi, thì mình về xây dựng đất nước thôi. Cái thứ hai nữa là hồi xưa mình có cả triệu quân, có cả quân Mỹ hỗ trợ nữa mà mình đánh không lại họ, giờ chỉ có bây nhiêu người thì làm cái gì? Thôi thì tất cả vì mẹ hiền Việt Nam, về mà xây dựng đất nước”. Tôi rất hoan nghênh suy nghĩ của ông Kỳ. Nếu có lòng yêu nước, chúng ta sẽ vượt qua được sự khác biệt”.
Lệ Thủy - Ảnh: Trung Dũng