Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2023

Nhớ lại Hòa đàm Paris 50 năm trước: 27 tháng 1 năm 1973

  • Bùi Văn Phú
  • Vai trò,Gửi đến BBC từ Berkeley, California

bui van phu

NGUỒN HÌNH ẢNH,BÙI VĂN PHÚ

Chụp lại hình ảnh,

Tác giả hồi còn là học sinh ở Nam VN

Năm 1972 là quãng thời gian với nhiều lo âu cho tôi và các bạn nam sinh cùng lớp vì hết niên học chúng tôi phải qua kỳ thi Tú tài I, đậu hay rớt tương lai sẽ là những khúc rẽ cuộc đời.

Tôi học lớp 11 ban B toán lý hoá, ngoài những giờ trong lớp tại trường Nguyễn Bá Tòng Gia Định tôi còn đi học luyện thi ở trường Hàn Thuyên nằm trong một ngõ trên đường Chi Lăng để cố gắng thi đậu, mừng cho chính bản thân và là niềm vui cho gia đình.

Còn ba tháng nữa đến ngày thi, cuối tháng 3-1972 bộ đội cộng sản Bắc Việt mở ra các cuộc tấn công vào miền Nam mà báo chí gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa”, từ Quảng Trị, Kontum vào Bình Long, An Lộc. Không như những cuộc tấn công du kích hồi Tết Mậu Thân 1968 vào nhiều tỉnh thành, lần này bộ đội cộng sản đem cả xe tăng, đại pháo tràn qua vĩ tuyến 17 đánh chiếm Quảng Trị.

Đại uý Không quân Trần Thế Vinh, một cựu học sinh trường Nguyễn Bá Tòng, đã trở thành anh hùng diệt tăng T-54 và đã bỏ mình trong một phi vụ khi chiến đấu cơ của anh trúng đạn phòng không nơi tuyến đầu tổ quốc.

Là đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại miền Nam, năm lên mười tôi đã thấy xe GMC chở quan tài có phủ cờ vàng, đã thấy những đám tang của lính Việt Nam Cộng hoà hy sinh trên chiến trường.

Chú Phạm Văn Viên là sĩ quan nhảy dù chết trận mà bố tôi đã cùng với bố của chú đi nhận xác ở Tổng Y viện Cộng hoà. Gia đình chú và bố mẹ tôi là người cùng làng ở quê Nam Định, di cư vào Nam năm 1954 và sống gần nhau trong giáo xứ Nghĩa Hoà, Ngã ba Ông Tạ.

Buổi tối tôi theo mẹ, cùng với họ hàng đến đọc kinh cầu nguyện cho chú được lên Thiên Đàng. Giữa nến lung linh trên nắp quan tài, vang tiếng “Kinh vực sâu”, tiếng khóc than của vợ chú, của ông bà phó thân sinh ra chú, nghe buồn thảm làm sao.

Tác giả Bùi Văn Phú

NGUỒN HÌNH ẢNH,BÙI VĂN PHÚ

Chụp lại hình ảnh,

Tác giả Bùi Văn Phú tại chợ hoa Nguyễn Huệ, Sài Gòn dịp Tết Quý Sửu 1973

Đám tang của chú Viên là cái chết đầu tiên của một sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hoà ghi trong ký ức của tôi. Theo thời gian, thỉnh thoảng lại có tin người quen tử trận. Chú Tị, chú Thuận, chú Khoan hy sinh khi chưa đến tuổi 40.

Cạnh nhà có anh Trịnh Xuân Tác, anh Đinh Văn Vũ, có bạn học thời tiểu học là Nguyễn Văn Nam, kẻ chết trên chiến trường, người mất tích sau một phi vụ, một trận giao chiến khi tuổi đời chưa tới hay mới ngoài đôi mươi. Đêm đêm nghe tiếng khóc thảm thương của những người mẹ mất con mà buồn, thương cho số phận con người.

Chiến tranh ở đâu đó trên quê hương, tuy xa thành phố, nhưng những cái chết của người thân quen, của hàng xóm cho tôi cảm nhận được sự tàn khốc trên chiến trường. 

Năm 1968 tôi đã giáp mặt với chiến tranh với bom rơi, súng nổ cách nhà không xa. Vào một sáng đầu tháng Năm tôi đã thấy súng của Liên Xô, Tiệp Khắc được trưng bày trong sân trường Thánh Tâm nơi tôi đang học lớp đệ Ngũ và ngôi trường đã biến thành trạm tiếp cư nạn nhân chiến tranh.

Tôi đã thấy những thây người dọc bên đường từ Ngã tư Bảy Hiền lên Bà Quẹo mà một anh lớn nói là xác Việt Cộng. Khi nhiều đêm nghe tiếng hoả tiễn 122 ly bắn vào thành phố, xé gió, rít lên làm rung cửa nhà, nổ ầm trong khu vực. Sáng ra hay tin nhiều người dân chết.

Tuổi đời của tôi càng lớn, chiến tranh càng trở nên khốc liệt. Học sinh các lớp 11 và 12 lúc bấy giờ ai cũng lo. Tin tức từ nhiều mặt trận mỗi ngày đưa về thành phố khiến chúng tôi băn khoăn không biết ngày mai có còn được tiếp tục đến trường hay sẽ phải khoác áo chiến binh.

can cuoc cong dan

NGUỒN HÌNH ẢNH,BÙI VĂN PHÚ

Chụp lại hình ảnh,

Thẻ đoàn viên Liên đoàn Sinh viên Học sinh thời VNCH

Hè 1972 có lệnh đôn quân. Năm 1968, sau trận tổng công kích của Việt Cộng thì có lệnh tổng động viên nên mọi tầng lớp thanh niên trong tuổi nhập ngũ phải vào quân đội.

Năm nay, với lệnh đôn quân thì thanh niên nếu không đủ tuổi ấn định theo các cấp lớp từ trung học đệ nhị cấp lên đại học sẽ phải nhập ngũ.

Nam sinh ở tuổi 18, tức sinh năm 1954 phải đang học lớp 12, cuối năm nếu đậu Tú tài II thì sẽ tiếp tục được hoãn dịch. Cứ như thế tính thêm một tuổi cho mỗi năm ở bậc đại học.

Trong lớp 11 năm đó của tôi có bạn sinh năm 1954 nên cuối năm thi Tú tài I đậu hay rớt thì cũng sẽ phải lên đường tòng quân. Thi đậu thì vào Trường Sĩ quan Thủ Đức, rớt thì vào Trường Đồng Đế Nha Trang.

Hết niên học lớp 11, tôi thi đậu Tú tài I. Tháng 9/1972 trở lại trường trong ngày khai giảng chỉ còn nửa số nam sinh là bạn học cũ trở lại học lớp 12, là các bạn sinh năm 1955 hoặc 1956. Nhiều bạn cũ mấy tháng trước còn chung lớp, giờ đang ở quân trường và sẽ sớm trở thành chiến sĩ.

Chúng tôi quan tâm đến hiện tình đất nước và lo lắng cho bản thân vì với cường độ chiến tranh gia tăng, nam sinh sẽ phải lên đường nhập ngũ bất cứ lúc nào khi nhu cầu chiến trường đòi hỏi.

Tại các trường học, chính phủ có chương trình “Đoàn ngũ hoá sinh viên học sinh” được tổ chức thành đoàn, nhóm và tập dượt đi đứng theo kiểu nhà binh. Đơn giản chỉ có thế cho nam sinh lớp 12 của trường. Nghe nói các anh sinh viên trên đại học thì có được tập cầm súng.

Chúng tôi quan tâm đến hiện tình đất nước và lo lắng cho bản thân

NGUỒN HÌNH ẢNH,BÙI VĂN PHÚ

Chụp lại hình ảnh,

"Chúng tôi quan tâm đến hiện tình đất nước và lo lắng cho bản thân" - ông Bùi Văn Phú nhắc lại tâm sự của một thế hệ

Những năm học lớp 11 và 12, các Nguyễn Văn Tiếu dạy Công dân Giáo dục, thầy Bùi Khắc Tiệp dạy Đại số là cựu sĩ quan Võ bị Đà Lạt và thầy Hoàng Định dạy Anh văn hay bàn chuyện thời sự với học sinh, tỏ vẻ lạc quan về tương lai đất nước.

Thày Hoàng Định dạy Anh văn thấy chúng tôi lo lắng nên trấn an rằng Tổng thống Mỹ Nixon đã qua TQ bắt tay với Mao Trạch Đông, cuộc chiến sẽ chấm dứt thôi. Thầy chỉ ra cây phượng nơi sân trường đang nở rộ hoa đỏ và nói năm nay phượng nở nhiều, các anh chị cũng sẽ thi đỗ nhiều để được học tiếp lên, có cơ hội góp phần xây dựng đất nước trong tương lai.

Thầy Nguyễn Văn Tiếu mở diễn đàn trong lớp cho chúng tôi nói lên suy nghĩ của mình về quê hương, về chính phủ.

Tôi và nhiều bạn chỉ trích các dân biểu khi có dịp đi công tác nước ngoài thường buôn lậu nước hoa, mỹ phẩm, quần lót hay lịch cởi truồng, hoặc có dân biểu ăn cắp các tượng cổ đem bán được báo chí đặt tên “Dân biểu tượng Chàm”. Tổng trưởng kinh tế Phạm Kim Ngọc với chính sách đánh thuế trị giá gia tăng, với tình hình kinh tế vật giá leo thang làm cuộc sống của dân khó khăn thêm cũng bị mang ra phê phán, chế giễu gọi ông là “Tổng Ngốc”.

Nhiều bạn bày tỏ sự căm ghét “Vua đi đêm Kissinger” và chán ngán với Hoà đàm Paris kéo dài đã nhiều năm mà không có kết quả.

Khi bản hiệp định được bốn bên ký kết ở Paris, trong lòng tôi cũng mừng, bớt lo về tương lai và hy vọng chiến tranh chấm dứt sẽ không còn phải thấy hàng xóm láng giềng hay bạn học tử trận.

Ngưng chiến rồi, mơ ước lớn nhất của tôi là được tiếp tục con đường học vấn để mai sau đóng góp cho đất nước.

Ngày 27 tháng 1 năm 1973 Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực trên hai miền Nam Bắc quê hương.

Hôm đó là thứ Bảy, tôi và mấy bạn cùng lớp rủ nhau lên trung tâm của thủ đô Sài Gòn xem có gì lạ trong ngày đầu tiên ngưng bắn, chào đón hoà bình.

Từ nhà ở Ngã ba Ông Tạ chạy lên Ngã tư Bảy Hiền, vì đường Thoại Ngọc Hầu đang có chợ tết, rồi qua Lăng Cha Cả, qua Bộ Tổng Tham mưu mà tôi thấy vẫn như mọi ngày, không có gì khác lạ. Lên đến Ngã tư Phú Nhuận mới thấy một số nhà dân hay cửa tiệm có treo cờ vàng ba sọc đỏ.

Đường vào trung tâm thành phố cảnh vật cũng bình thường. Chỉ còn một tuần nữa là Tết Quý Sửu. Sắp tết nên sinh hoạt nhộn nhịp trước bưu điện với những sạp bán thiệp xuân. Chúng tôi ghé hàng bò bía quen thuộc thưởng thức hương vị cay, thơm ngon giữa trời se se lạnh. Ghé chợ hoa Nguyễn Huệ ngắm sắc hoa muôn mầu muôn tía, chụp vài pô ảnh kỷ niệm rồi đi bộ dọc phố Lê Lợi xuống chợ Bến Thành hoà mình vào không khí tết ồn ào với những quảng cáo nai khô cá thiều, kem đánh răng Hynos, rượu dâu Đà Lạt và các loại bánh mứt tết.

Thành phố nhộn nhịp lên vì sinh hoạt đón tết chứ không phải để chào hoà bình. Không băng rôn, biểu ngữ giăng ngang đường, không dấu chỉ nào cho thấy tiếng súng đã im và hoà bình đang đến. Chỉ thấy quảng cáo các băng nhạc và trong không gian nhiều nơi vang vang những khúc nhạc rộn ràng chào đón mùa xuân đang về.

Chúng tôi vào một quán cà phê trên đường Nguyễn Du, nơi quen thuộc của thanh niên sinh viên học sinh. Ngồi bàn luận với nhau về không khí hoà bình trong ngày đầu tiên ngưng bắn mà thấy không có gì khác hơn mọi ngày ở thành phố này.

Hay chúng tôi còn non trẻ để hiểu về bản hiệp định vừa được ký kết, để hiểu những chuyến đi như thoi đưa của Kissinger giữa Washington, Paris và Sài Gòn mà trong một lần ghé thủ đô mới đây nhà ngoại giao Mỹ đã gặp phải biểu tình, đốt xe phản đối.  

Với bản hiệp định đã được ký, dù chưa biết ra sao nhưng tôi cũng vui trong lòng vì bao năm qua đã ôm ấp những ước mơ, như giòng nhạc Trịnh Công Sơn đang vang ra từ những chiếc loa:

Khi đất nước tôi không còn chiến tranh

Trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường

Khi đất nước tôi không còn giết nhau

Mọi người ra phố mời rao nụ cười…

 

Khi đất nước tôi thanh bình

Tôi sẽ đi không ngừng

Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam

Tôi đi chung cuộc mừng

Và mong sẽ quên chuyện non nước mình

 

Tác giả là một giảng viên đại học cộng đồng và là nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California. Bài viết cho BBC thể hiện quan điểm riêng của ông.