https://vietnamnet.vn/thuc-te-doi-hoi-ngay-cang-phai-de-cao-trach-nhiem-chinh-tri-2105696.html
Nhà sử học Dương Trung Quốc (ĐBQH các khoá XI, XII, XIII, XIV) từng phát biểu rất thuyết phục tại nghị trường về trách nhiệm chính trị. Cụ thể, những năm 2010, tình hình kinh tế- xã hội đất nước có nhiều yếu tố bất ổn. Lạm phát tăng cao, nhiều tập đoàn kinh tế Nhà nước bộc lộ những lỗ hổng khiến nhiều năm sau này vẫn chưa xử lý được; xảy ra nhiều đại án tham nhũng, lãng phí…
Tại một kỳ họp Quốc hội khoá XIII diễn ra vào tháng 11/2012 ông Dương Trung Quốc nói, xưa nay các cụ ta đã làm và coi việc cáo quan hồi hương là một cách giữ tiết tháo. Còn Đảng ta đã từng có vị Tổng Bí thư, người có công lớn trong cuộc cách mạng Tháng Tám 1945 sau khi nhận trách nhiệm chính trị về những sai lầm trong cải cách ruộng đất năm 1956 đã từ chức và tiếp tục phấn đấu để rồi 3 thập kỷ sau trở lại cương vị Tổng Bí thư, kịp thời góp phần khởi động công cuộc Đổi mới. Trường hợp này là cố Tổng Bí thư Trường Chinh.
Gần đây hơn, vào đầu những năm 2000, một trường hợp cũng được nhắc đến nhiều đó là nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ. Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, người xin từ chức theo đúng nghĩa, có lẽ là trường hợp của ông Lê Huy Ngọ. Khi đó, ông Ngọ đang là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ông Ngọ từ chức vì trách nhiệm chính trị trong vụ án Lã Thị Kim Oanh vào năm 2004.
Ở nhiều quốc gia, mỗi khi xảy ra một sự việc, có thể không lớn lắm, chẳng hạn như một cây cầu sập, một sự cố môi trường hay giao thông thường thì những người có trách nhiệm trong bộ máy sẽ đứng ra nhận trách nhiệm và từ chức. Họ coi đó là việc bình thường, hay nói cách khác người ta thấy nhiều trường hợp như vậy. Nhưng ở nước ta, việc này không hề đơn giản. Vẫn theo ông Lê Như Tiến, cán bộ xin từ chức ở nước ta còn rất hiếm, nên trong dân thường hay nói "cán bộ ta rất tự hào đã lên không xuống, đã vào không ra".
Phiên chất vấn ấn tượng
Có thể nói, phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp Quốc hội khoá XIII diễn ra vào tháng 11/2012 cho thấy rõ những người đại diện cho cử tri đã lên tiếng mạnh mẽ về trách nhiệm chính trị. Đây được coi là phần chất vấn hay nhất về trách nhiệm chính trị trong nhiều năm qua.
Khi đó, ông Dương Trung Quốc đã chất vấn rằng, người dân chứng kiến các vị lãnh đạo, trong đó có Thủ tướng có lời xin lỗi, xin Trung ương kỷ luật. Còn tại Quốc hội, Thủ tướng chỉ xin lỗi về trách nhiệm chính trị liên quan đến một số tập đoàn Nhà nước mà thôi. Việc này khiến người dân đặt câu hỏi, dường như Thủ tướng xem nhẹ trách nhiệm trước dân hơn trước Đảng. Dẫu sao, việc Thủ tướng có lời xin lỗi trước Quốc hội cũng là một điều đáng ghi nhận vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử. Nhưng nhìn ở góc độ khác, xin lỗi- một hành vi văn hóa rất đáng khích lệ trong dân - cần được giới hạn trong bộ máy công quyền với nhân dân. Không chỉ xin lỗi việc chậm giờ bay của ngành hàng không mà bỏ qua các chế tài xử phạt đã quy định nếu gây thiệt hại cho khách hàng. Ông Dương Trung Quốc cho rằng, đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm pháp luật chứ không chỉ lời xin lỗi. “Phải chăng Thủ tướng nên nhân dịp này, thể hiện quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu của Chính phủ hướng tới đoạn tuyệt với những lời xin lỗi thay bằng một tập quán phù hợp với xã hội hiện đại là văn hóa từ chức với một lộ trình mà các quan chức của ta từng bước làm được điều mà các nước tiên tiến đã từng làm”- ông Dương Trung Quốc nói.
Từ đó, ông Dương Trung Quốc nêu câu hỏi, Thủ tướng có tán thành là sẽ khởi đầu cho sự tiến bộ của Chính phủ là hướng tới văn hoá từ chức để từ đó đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?
XEM CLIP:
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất điềm tĩnh khi trả lời câu hỏi này. Ông nói, bản thân ông còn 3 ngày nữa là tròn 51 năm theo Đảng hoạt động cách mạng. Chịu sự lãnh đạo quản lý trực tiếp của Đảng.
“Là cán bộ, đảng viên, thưa với Quốc hội là tôi đã nghiêm túc báo cáo đầy đủ với Đảng về bản thân mình. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã hiểu rõ về tôi. Cả về ưu, khuyết điểm, phẩm chất đạo đức, cả về năng lực, sức khoẻ, thương tật và cả về tâm tư, nguyện vọng. Đảng đã hiểu rõ về tôi, Đảng ta cũng là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng quyết định phân công tôi ứng cử tiếp tục làm Thủ tướng Chính phủ, và Quốc hội bỏ phiếu bầu tôi làm Thủ tướng, tôi sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời.
Ông Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu làm Thủ tướng từ tháng 6/2006. Sau thời điểm ông Dương Trung Quốc chất vấn về văn hoá từ chức tại Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng thêm 4 năm nữa, cho đến tháng 4/2016.
Bài 2: Từng bước hoàn thiện quy định về trách nhiệm chính trị